Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (sách trắng CNTT và Truyền Thông Việt Nam 2010), ngành bưu chính có 32 doanh nghiệp đã được cấp phép kinh doanh dịch vụ chuyển phát thư và 28 doanh nghiệp đã được xác nhận thông báo hoạt động kinh doanh dịch vụ chuyển phát. Tổng doanh thu các doanh nghiệp Bưu chính năm 2009 là 453,74 triệu USD, doanh thu dịch vụ bưu chính là 175,12 triệu USD, với mạng lưới bưu chính rộng khắp cả nước với 17.898 điểm dịch vụ bưu chính:
Ngành viễn thông có 112 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet (3/2010) với tổng doanh thu viễn thông năm 2009 là 6.867,55 triệu USD. Các doanh nghiệp viễn thông không ngừng phát triển và chiếm lĩnh vị trí hàng đầu về doanh thu và thị phần khách hàng. Theo kết quả bảng xếp hạng top 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam (Do VietNam Report phối hợp với báo điện tử VietNamNet công bố), các doanh nghiệp viễn thông luôn đứng đầu bảng xếp hạng. Cụ thể, Mobiphone đứng đầu bảng xếp hạng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều nhất với gần 6.000 tỷ đồng, tiếp theo là Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel.
Trong bối cảnh của sự phát triển mạnh về bưu chính viễn thông tạo ra một thị trường khai thác dồi dào, một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp BCVT cũng như ngành BCVT để đạt những thành tựu to lớn hơn nữa, tuy nhiên, nó cũng đặt ra đặt ra một thử thách lớn về môi trường cạnh tranh, nắm bắt khoa học kỹ thuật hiện đại. Để giải quyết bài toán khó đó, điểm mấu chốt là vấn đề nhân lực, làm thế nào để nhân lực có đủ trình độ, đủ kỹ năng và kiến thức để làm chủ được công nghệ hiện đại, không ngừng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Theo dự báo của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, năm 2011, số người trong độ tuổi lao động khoảng 4,338 triệu người và đến năm 2015 sẽ là 4,667 triệu người (bình quân hằng năm khoảng 90.000 người). Đây sẽ là nguồn nhân lực trẻ, dồi dạo, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Bưu chính Viễn thông tiếp tục thu hút nhân lực để tiếp tục phát triển. Tính đến năm 2010, Hà Nội có khoảng 83.000 nhân lực CNTT, cho thấy đội ngũ nhân lực dồi dào, có trình độ chuyên môn cao, tuy nhiên, chưa thu hút được nhiều nhân lực CNTT cho ngành bưu chính viễn thông, mặt khác lại có sự phân phối không đồng đều giữa ngành bưu chính và viễn thông:
Nguồn nhân lực trong ngành Bưu chính của các doanh nghiệp chưa được tốt, lao động trung cấp và công nhân vẫn chiếm một tỷ lệ cao và vẫn sử dụng lao động phổ thông. Hiện tại, đội ngũ nhân lực trong ngành Bưu chính vẫn còn thiếu những cán bộ giỏi có trình độ học vấn cao về các lĩnh vực bưu chính, quản trị… do đó gặp một số khó khăn trong việc nắm bắt, áp dụng các công nghệ tiên tiến. Cần có những chương trình đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên môn trong ngành nghề để có thể đáp ứng được nhu cầu về nhân lực trong sự phát triển công nghệ Bưu chính trong tương lai.
Số lượng nhân lực tham gia trong lĩnh vực Viễn thông không ngừng tăng lên trong những năm qua, cả về đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, đội ngũ quản lý sản xuất kinh doanh. Ngoài nguồn nhân lực được đào tạo chủ yếu chuyên ngành Điện tử - Viễn thông và Công nghệ thông tin, ngoài ra còn một số ít chuyên ngành khác, có sự tham gia của các lao động công nhân và một số ít lao động phổ thông trên địa bàn Thành phố. Để đáp ứng yêu cầu phát triển lớn về Viễn thông, cần phải có một đội ngũ nhân lực tốt hơn nữa để đảm bảo vận hành hạ tầng mạng thế hệ sau, đảm bảo chất lượng khi cung cấp dịch vụ.
Để nguồn nhân lực bưu chính viễn thông được nâng cao về chất lượng, trong thời gian tới công tác quản lý nhà nước về Bưu chính Viễn thông cấp quận, huyện phải được đẩy mạnh. Trong đó phải tăng cường cơ sở pháp lý cho xã hội hóa đào tạo nguồn nhân lực Bưu chính - Viễn thông. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tổ chức các cơ sở đào tạo Bưu chính - Viễn thông. Đẩy mạnh quá trình xã hội hóa công tác Đào tạo. Tận dụng thế mạnh của Thủ đô Hà Nội, là nơi tập trung nhiều các trường Đại học, tinh hoa nhân lực của đất nước, có chính sách đãi ngộ hợp lý để thu hút nhân tài, nguồn chất xám trong và ngoài nước đóng góp cho phát triển CNTT, Bưu chính, Viễn thông. Thu hút và tạo điều kiện thuận lợi, có chính sách ưu đãi đối với giảng viên, cán bộ đào tạo ngành CNTT, Bưu chính, Viễn thông. Liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, thúc đẩy các hoạt động hướng nghiệp Công nghệ thông tin và Viễn thông, nhằm tạo nguồn lao động kỹ thuật vững vàng chuyên môn, giỏi tay nghề, nhanh chóng cập nhật kiến thức hiện đại. Bố trí nhân lực phù hợp, đúng nghề nghiệp được đào tạo.
Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực cán bộ cũng phải đặc biệt được chú trọng, phải xây dựng các chính sách đào tạo phù hợp để có đội ngũ chuyên gia giỏi về kinh tế, kỹ thuật; đội ngũ quản lý kinh doanh giỏi trong môi trường cạnh tranh quốc tế; đặc biệt chú trọng tới đội ngũ nhân lực CNTT-BCVT. Đào tạo và tái đào tạo đội ngũ nhân lực hiện có. Đào tạo đón đầu thích hợp với các mục tiêu phát triển; đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng. Tăng cường đầu tư đào tạo Công nghệ thông tin cho cán bộ, nâng cao khả năng ứng dụng CNTT trong công việc.
Đồng thời hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật, đổi mới giáo trình, cập nhật kiến thức các Trung tâm Đào tạo chuyên ngành. Tiếp tục xây dựng Trung tâm Đào tạo CNTT-TT của Thành phố Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo CNTT-BCVT hàng đầu cả nước, là cái nôi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng về CNTT-BCVT cho Thành phố Hà Nội. Tăng cường liên kết với các Trường Đại học, Cao Đẳng trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực cán bộ, lao động đang hoạt động trong lĩnh vực Bưu chính - Viễn thông. Thúc đẩy các quan hệ hợp tác quốc tế về đào tạo bưu chính viễn thông, xây dựng các cơ sở đào tạo CNTT, Bưu chính viễn thông đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, chủ động trong công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT-BCVT phù hợp với yêu cầu phát triển của Thành phố Hà Nội. Đẩy mạnh triển khai ứng dụng các hình thức đào tạo mới E-learning, M-learning.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, một số giải pháp cụ thể phát triển nhân lực cho ngành bưu chính được đưa ra như sau:
Đào tạo đón đầu: Hiện tại, xu thế cạnh tranh trong ngành Bưu chính đã bắt đầu hình thành và phát triển, các doanh nghiệp muốn đứng vững trong thị trường bưu chính, cần phải thay đổi phương thức, ngoài thu hút nhân lực kỹ thuật chất lượng cao chuyên ngành bưu chính, chuyên ngành Công nghệ thông tin, còn phải chú trọng đến nhân lực quản lý kinh doanh, nhân lực về kinh tế, marketing… Chính vì vậy, cần phải có chính sách đào tạo đón đầu phụ hợp với nhu cầu nhân lực tương lai. Đặt hàng các Trung tâm đào tạo, các Trường đào tạo chuyên nghành bưu chính viễn thông, các trường Đào tạo kinh tế quản trị kinh doanh để tạo ra các kỹ sư chuyên ngành kinh tế bưu chính, phù hợp với nhu cầu nhân lực bưu chính trong thời kỳ mới. Lựa chọn các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp có chuyên ngành phù hợp gần với công tác Bưu chính để phối hợp mở thêm chuyên ngành đào tạo về Bưu chính Viễn thông. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực tại địa phương thông qua các cơ sở đào tạo theo đúng chuyên ngành Bưu chính, đảm bảo các cán bộ công nhân viên phục vụ trong ngành Bưu chính có chuyên môn lành nghề, có phẩm chất, làm chủ công nghệ, kỹ thuật hiện đại, vững vàng về quản lý kinh tế.
Nâng cao trình độ nguồn nhân lực: Mỗi vị trí đòi hỏi một chuyên môn khác nhau, tuy nhiên yêu cầu chung nhất của người lao động là phải có kiến thức tổng quát về đặc thù riêng của ngành bưu chính, có trình độ tin học để sử dụng các phần mềm ứng dụng trong ngành Bưu chính. Tuy nhiên, do tư tưởng độc quyền Bưu chính trước đây, nên một bộ phận cán bộ vẫn còn ý thức ỷ lại, chậm tiếp thu các công nghệ mới. Để trình độ nguồn nhân lực đảm bảo với yêu cầu phát triển cho tương lai của ngành Bưu chính cần phát huy hết tiềm năng sẵn có thông qua công tác đào tạo, nâng cao trình độ. Mở các lớp học bồi dưỡng kiến thức, hoàn thiện kiến thức, nâng cao kỹ năng trong công tác Bưu chính đối với các nhân viên. Phối hợp với các Trường, trung tâm đào tạo chuyên ngành để mở các lớp học tập huấn cập nhật thêm kiến thức mới về công tác trong ngành Bưu chính.
Chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài: Các doanh nghiệp xác định các chính sách phối hợp giữa các khâu tuyển dụng, đào tạo, lương bổng, đãi ngộ để duy trì đội ngũ nhân viên giỏi giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và tính cạnh tranh trong những năm tới khi có nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường Bưu chính. Đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh cho Bư chính theo hướng nâng cao hiệu suất của lao động làm việc trong lĩnh vực Bưu chính, có chế độ sát hạch, thưởng phạt để khuyến khích tăng năng suất lao động.
Giải pháp cụ thể phát triển nhân lực cho ngành Viễn thông
Nguồn nhân lực Viễn thông là một trong những nhân tố cơ bản, góp phần đưa ngành Viễn thông trở thành một trong những ngành đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và cạnh tranh ngày càng cao trong lĩnh vực Viễn thông, Ngành Viễn thông vẫn phải có những chính sách phát triển phù hợp để có được đội ngũ chuyên gia, quản lý kinh tế, kỹ thuật giỏi, đáp ứng nhu cầu phát triển trong hiện tại và tương lai không xa.
Hình thành đội ngũ nhân lực CNTT-Viễn thông chuyên nghiệp của Thành phố Hà Nội: Cần phải tuyển chọn các học sinh giỏi ở cấp học phổ thông, sinh viên mới ra trường có chuyên ngành điện tử, Viễn thông và Công nghệ thông tin, gửi đào tạo tại các Trường Đại học, các Viện, các Trung tâm chuyên ngành trong và ngoài nước để học tập và nâng cao trình độ trở thành các chuyên gia giỏi, phục vụ cho các chương trình, dự án và các cơ quan của Thành Phố Hà Nội trong thời gian tới.
Hợp tác quốc tế: Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực CNTT-Viễn thông, chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao về CNTT - Viễn thông.
Chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài: Thực hiện chính sách nâng lương, thưởng trước thời hạn cho những cá nhân có những đóng góp nổi bật trong nghiên cứu khoa học và cải tiến kỹ thuật của ngành, của quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội. Tăng cường các giải thưởng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông khuyến khích các cá nhân, tập thể phát huy tìm tòi sáng tạo.
Điều chỉnh cơ cấu lao động: giảm số lượng lao động hợp đồng dài hạn, tăng cường sử dụng lao động qua các hình thức đại lý, bán lại dịch vụ, thuê mướn thời vụ để tận dụng lực lượng lao động nhàn rỗi trong xã hội và tăng năng suất lao động.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên chắc chắn thành phố Hà Nội sẽ thực hiện được mục tiêu đưa Hà Nội trở thành trung tâm về Bưu chính viễn thông của cả nước.