QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin và truyền thông
Việt Nam đến năm 2020
__________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến năm 2020” (gọi tắt là Quy hoạch) với những nội dung chủ yếu sau đây:
Công nghệ thông tin và truyền thông là công cụ quan trọng để thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc, từng bước hình thành xã hội thông tin, nền kinh tế tri thức, hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Lấy phát triển nguồn nhân lực Công nghệ thông tin và Truyền thông có trình độ và chất lượng cao làm khâu đột phá, lấy việc nhanh chóng làm chủ thị trường trong nước để từng bước vững chắc mở rộng sang thị trường khu vực và toàn cầu làm khâu quyết định.
Chuyển mạnh từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu, từ số lượng sang chất lượng, tăng cường hiệu quả, năng suất. Tận dụng hiệu quả ngoại lực để tăng cường nội lực. Nội lực phải trở thành nòng cốt và chủ yếu, ngoại lực giữ vai trò quan trọng.
- Công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) góp phần quan trọng cho mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, trong đó chú trọng đến sự phát triển bền vững của môi trường.
- Mục tiêu đến năm 2015:
Tổng sản lượng của ngành công nghệ thông tin và truyền thông đạt 33,5 tỷ đô la, chiếm tỷ trọng 20% trong GDP, trong đó công nghiệp CNTT đạt 16,7 tỷ USD, chiếm 22% tỷ trọng công nghiệp; doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 16,8 tỷ USD, chiếm 24% tỷ trọng dịch vụ.
- Mục tiêu đến năm 2020:
Tổng sản lượng ngành công nghệ thông tin và truyền thông đạt 67,2 tỷ đô la, chiếm tỷ trọng 24% trong GDP, trong đó công nghiệp CNTT đạt 33,5 tỷ USD, chiếm 25% tỷ trọng công nghiệp; doanh thu dịch vụ viễn thông đạt 33,7 tỷ USD, chiếm 27% tỷ trọng dịch vụ.
a) Mục tiêu phát triển ứng dụng CNTT
- Mục tiêu đến năm 2015:
Ứng dụng sâu rộng CNTT&TT trong các ngành, lĩnh vực quan trọng và các lĩnh vực có tính xã hội hóa cao.
Trong các cơ quan nhà nước:
+ Trên 90% cơ quan nhà nước có kết nối mạng.
+ Hầu hết các dịch vụ hành chính công được cung cấp trên mạng ở mức tương tác (người dân có thể trao đổi thông tin, gửi, nhận hồ sơ qua mạng) và mức tích hợp (người dân có thể thanh toán phí dịch vụ qua mạng, nhận kết quả dịch vụ mà không cần đến các cơ quan cung cấp dịch vụ).
+ Hầu hết các công việc hành chính đều có thể thực hiện qua mạng.
+ Thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN về xếp hạng Chính phủ điện tử.
Trong doanh nghiêp:
+ Trên 80% doanh nghiệp triển khai các ứng dụng CNTT.
+ Doanh thu bán hàng qua mạng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của các doanh nghiệp.
Người dân:
+ 50% dân số biết sử dụng máy tính, khai thác các dịch vụ trên Internet.
Trong y tế:
+ Từ 30 đến 50% bệnh viện cấp trung ương, cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý hồ sơ bệnh nhân trên mạng, hầu hết người dân có thể sử dụng dịch vụ chẩn đoán bệnh từ xa.
Trong giáo dục:
+ Hầu hết người dân có thể sử dụng các dịch vụ học trực tuyến và học từ xa để theo học các khóa học tùy chọn theo sở thích.
Trong tài chính, ngân hàng:
+ Hầu hết người dân đều có thể sử dụng hệ thống thanh toán qua mạng thuận tiện và an toàn.
- Mục tiêu đến năm 2020:
Xây dựng và phát triển Việt Nam điện tử với công dân điện tử, chính phủ điện tử và doanh nghiệp điện tử, giao dịch và thương mại điện tử đạt trình độ nhóm các nước dẫn đầu khu vực ASEAN.
Xây dựng một Chính phủ hiệu lực, hiệu quả:
+ Chính phủ gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, đơn giản và minh bạch đối với người dân nhờ việc ứng dụng CNTT trong toàn bộ các công việc và thủ tục hành chính.
+ Chính phủ điện tử Việt Nam thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN.
Môi trường xã hội thuận tiện cho doanh nghiệp và người dân:
+ Các doanh nghiệp cạnh tranh mạnh mẽ nhờ việc ứng dụng tối đa khả năng của CNTT&TT, từ đó mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn cầu.
+ Xã hội thực sự thịnh vượng, mọi người có thể làm việc, cống hiến mọi nơi, mọi lúc, suốt đời, mọi người có thể học mọi nơi, mọi lúc, theo nhu cầu.
Tập trung phát triển các ứng dụng góp phần làm giảm hiệu ứng nhà kính, tiết kiệm năng lượng tiêu thụ, đảm bảo phát triển bền vững.
b) Mục tiêu phát triển hạ tầng viễn thông
- Mục tiêu đến năm 2015:
Phát triển dịch vụ:
+ Đạt mật độ 130-150 thuê bao/100 dân.
+ Khoảng 50-60% hộ gia đình sử dụng kết nối Internet băng rộng.
Phát triển mạng lưới:
+ Phát triển mạng băng rộng (qua cáp quang hoặc vô tuyến băng rộng) đến 100% các xã.
+ Bắt đầu triển khai xây dựng mạng “mọi nơi, mọi lúc, mọi người”.
Phát triển dịch vụ công ích:
+ Hầu hết các xã có ít nhất 10 thuê bao cố định/100 dân.
- Mục tiêu đến năm 2020:
+ Hoàn thành việc chuyển đổi toàn bộ mạng truy cập cố định sang công nghệ quang. Phủ sóng toàn quốc dịch vụ vô tuyến băng rộng.
+ Mật độ đầu cuối viễn thông tương đương trung bình các nước phát triển.
+ Chất lượng lượng dịch vụ đảm bảo đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân.
c) Mục tiêu phát triển công nghiệp CNTT
- Mục tiêu đến năm 2015:
+ Đạt doanh thu 16,7 tỷ đô la, trong đó công nghiệp phần cứng và điện tử đạt 12,3 tỷ, công nghiệp phần mềm đạt 2,7 tỷ, công nghiệp nội dung số đạt 1,7 tỷ.
+ Tạo ra 400.000 lao động trong lĩnh vực công nghiệp CNTT.
+ Công nghiệp phần cứng và điện tử về cơ bản kết thúc giai đoạn lắp ráp các loại sản phẩm cho các công ty nước ngoài (giai đoạn 1), bước đầu chuyển sang giai đoạn thu hút đầu tư nước ngoài sản xuất linh kiện phụ tùng, phát triển công nghiệp phụ trợ, thay thế dần các chi tiết nhập khẩu, đẩy mạnh nội địa hoá sản phẩm (giai đoạn 2).
+ Công nghiệp phần mềm nằm trong số 10 nước cung cấp dịch vụ gia công phần mềm hấp dẫn nhất thế giới, đáp ứng được khoảng 50-70% nhu cầu phần mềm trong nước.
+ Công nghiệp nội dung số: đẩy mạnh và phát triển bản sắc số Việt Nam. Đảm bảo việc dịch Anh-Việt trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp có chất lượng tốt.
- Mục tiêu đến năm 2020:
+ Công nghiệp phần cứng và điện tử chuyển hoàn toàn sang giai đoạn 2.
+ Công nghiệp phần mềm nằm trong số 5 nước cung cấp dịch vụ gia công phần mềm hấp dẫn nhất thế giới.
+ Công nghiệp nội dung số: phát triển các sản phẩm chất lượng cao, tăng cường bản sắc số của Việt Nam và làm giầu hình ảnh thương hiệu “Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam” trên thế giới.
d) Mục tiêu phát triển nguồn nhân lực CNTT&TT đến năm 2020
- Mục tiêu đến năm 2015:
+ Đào tạo CNTT, điện tử, viễn thông ở bậc đại học đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. 80% sinh viên tốt nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế.
+ Cung cấp 250.000 người có chuyên môn về CNTT, điện tử, viễn thông cho các doanh nghiệp CNTT&TT, trong đó có 50% trình độ cao đẳng, đại học trở lên.
+ Cung cấp 530.000 cán bộ chuyên trách về CNTT cho các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước.
+ Tất cả cán bộ công chức, 80% lao động trong DN, 50% dân cư có thể sử dụng các ứng dụng CNTT
- Mục tiêu đến năm 2020:
+ Nguồn nhân lực CNTT&TT đạt trình độ nhóm các nước dẫn đầu khu vực ASEAN về số lượng, trình độ và chất lượng, đáp ứng các yêu cầu trong nước và xuất khẩu quốc tế.
+ Phổ cập, xóa mù tin học, nâng cao trình độ, kỹ năng ứng dụng CNTT&TT cho người dân, đặc biệt thanh thiếu niên.
+ 90% lao động trong các doanh nghiệp, 70% dân cư có thể sử dụng các ứng dụng CNTT.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
Tiếp tục đẩy mạnh các ứng dụng Chính phủ điện tử, hướng tới việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ở mức tương tác và mức tích hợp. Ưu tiên các ứng dụng trên các thiết bị di động, tận dụng phạm vi phủ sóng rộng của mạng di động nhằm làm tăng khả năng và cơ hội tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến của người dân.
Xây dựng các kho dữ liệu và văn bản số hóa, phục vụ cho việc cung cấp các dịch vụ công qua mạng.
Tập trung hoàn thiện hệ thống thanh toán điện tử, làm tiền đề quan trọng để phát triển Chính phủ điện tử ở mức tích hợp, đồng thời, làm nền tảng để đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.
Xây dựng các chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử để nâng tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trên tổng doanh thu.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực có tính xã hội hóa cao là y tế và giáo dục.
Bước đầu ứng dụng CNTT để giải quyết các vấn đề quan trọng, phạm vi ảnh hưởng rộng, bao gồm: ứng dụng CNTT trong quản lý giao thông đô thị, ứng dụng CNTT trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đối với mạng truy nhập: đẩy nhanh quá trình triển khai cáp quang và mạng vô tuyến băng rộng đến các hộ gia đình. Tăng cường năng lực các nhà máy sản xuất cáp quang để phục vụ nhu cầu quang hóa toàn quốc. Từng bước ngầm hóa mạng truy nhập để nâng cao tính an toàn, bảo mật, đồng thời làm tăng tính mỹ thuật, cảnh quan đô thị. Khuyến khích sử dụng chung cơ sở hạ tầng.
Đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia xây dựng hạ tầng và khai thác thị trường viễn thông. Có cơ chế, chính sách cấp phép khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân tham gia bán lại dịch vụ, cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng, dịch vụ Internet trên cơ sở hạ tầng mạng lưới đã được đầu tư.
Số hóa mạng truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình.
Từng bước xây dựng mạng “mọi nơi, mọi lúc, mọi người”.
a) Công nghiệpphần cứng và điện tử
Lựa chọn các đối tác chiến lược dựa trên các tiêu chí: là các quốc gia phát triển nắm giữ các công nghệ nguồn; có tiềm năng về thị trường xuất khẩu, gia công và đầu tư tài chính; đảm bảo giá trị gia tăng và hàm lượng chất xám của Việt Nam trong các sản phẩm được nâng cao; sử dụng các công nghệ sạch, đảm bảo sự phát triển bền vững của môi trường.
Hỗ trợ chuyển giao công nghệ nguồn, tạo lập và làm chủ các công nghệ mới, tiến tới làm chủ thị trường nội địa bằng cách tăng thị phần của các sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam.
Thu hút đầu tư vào công nghiệp phần cứng có chọn lọc.
Tập trung xây dựng một số doanh nghiệp phần cứng trọng điểm.
Chú trọng đến các sản phẩm phần cứng và điện tử không carbon hoặc ít carbon.
b) Công nghiệpphần mềm
Tăng cường đáp ứng các nhu cầu phần mềm trong nước.
Tập trung vào các giải pháp phần mềm cho Chính phủ điện tử.
Nuôi dưỡng, phát triển 3-4 doanh nghiệp phần mềm mạnh, chiếm ưu thế trong nước, từ đó mở rộng ra thị trường khu vực ASEAN. Xây dựng một số trung tâm dữ liệu (data center) phục vụ cho nhu cầu của các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc.
c) Công nghiệpnội dung số
Xây dựng vườn ươm cho các doanh nghiệp nội dung số.
Tập trung xây dựng hệ thống dịch tự động trực tuyến Anh-Việt, trước hết là cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp.
Từng bước tiến hành Việt hóa thông tin trên Internet.
Đổi mới nội dung, phương pháp và quy trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực CNTT.
Tăng cường đầu tư, mở rộng quy mô cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT.
Tăng cường dạy tiếng Anh và dạy CNTT bằng tiếng Anh.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT để đổi mới phương pháp dạy và học.
Tập trung hỗ trợ đào tạo và thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, tạo môi trường thuận lợi để mọi thành phần kinh tế tham gia đào tạo nhân lực CNTT với số lượng lớn, đủ đáp ứng nhu cầu phát triển
IV. CÁC GIẢI PHÁP
a)Nâng cao nhận thức về vai trò của CNTT&TT
Nâng cao nhận thức về xã hội thông tin, kinh tế tri thức và vai trò của CNTT&TT trong toàn xã hội thông qua mọi hình thức tuyên truyền, phổ biến, đặc biệt chú ý tận dụng các phương tiện thông tin đại chúng.
b) Hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp
Rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ ứng dụng và phát triển CNTT&TT, đáp ứng các yêu cầu về hội nhập toàn diện kinh tế quốc tế, thúc đẩy hợp tác và cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế có cơ hội bình đẳng tham gia thị trường.
c) Nâng cao năng lực và hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước
Tổ chức hợp lý bộ máy quản lý nhà nước trên cơ sở phân biệt rõ các tổ chức có chức năng xây dựng chính sách, luật pháp với các tổ chức có chức năng thực thi pháp luật. Đảm bảo hình thành hệ thống quản lý nhà nước mạnh theo nguyên tắc “Năng lực quản lý đón đầu yêu cầu phát triển”.
d) Mở rộng và phát triển thị trường CNTT&TT
Phát huy thế mạnh của mọi thành phần kinh tế, nhanh chóng làm chủ thị trường trong nước, từng bước mở rộng ra thị trường khu vực và thế giới, đồng thời tăng cường xây dựng và làm giầu hình ảnh thương hiệu “Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam”.
đ) Phát triển mạnh nguồn nhân lực
Hoàn thiện hệ thống chương trình đào tạo, dạy nghề thống nhất và chuyên nghiệp về công nghệ thông tin trong cả nước ở tất cả các bậc học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và hợp tác quốc tế trong đào tạo CNTT&TT, đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực có trình độ và chất lượng cao. Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ công chức, người lao động ở các doanh nghiệp, đặc biệt là nâng cao trình độ ứng dụng CNTT&TT vào hoạt động quản lý nhà nước và sản xuất kinh doanh.
e) Thu hút đầu tư và huy động nguồn vốn
Hình thành môi trường nuôi dưỡng, phát triển và đón đầu các thành tựu khoa học công nghệ, sẵn sàng về cơ sở hạ tầng vật chất, hậu cần, nguồn nhân lực để thu hút các tập đoàn CNTT&TT lớn trên thế giới đầu tư, triển khai hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.
a) Đối với ứng dụng CNTT
Nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp về vai trò và khả năng của ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước.
Đầu tư dứt điểm cho các kế hoạch, chương trình, dự án ứng dụng CNTT để tạo sự chuyển biến về chất.
b) Đối với hạ tầng viễn thông
Hoàn thiện Luật Viễn thông, tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Chú trọng công tác đánh giá, kiểm định chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
c) Đối với công nghiệp CNTT
Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, nhanh chóng làm chủ các công nghệ mới, học tập công nghệ từ các công ty nước ngoài, từ đó nâng cao giá trị gia tăng trong các sản phẩm phần cứng, chất lượng và thương hiệu các sản phẩm phần mềm và nội dung số của Việt Nam.
d) Đối với nguồn nhân lực CNTT&TT
Tăng yếu tố nước ngoài (tiếng Anh, giáo trình nước ngoài, giảng viên nước ngoài, bằng cấp quốc tế) trong các cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo CNTT&TT, hướng tới chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Có cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích, ưu đãi đối với việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT.
V. CÁC NHIỆM VỤ
a) Nhiệm vụ Xây dựng và triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015, hướng tới Chính phủ điện tử.
- Nội dung: tập trung triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, đồng thời tạo nguồn cung cho các doanh nghiệp trong nước về phần mềm.
b)Nhiệm vụ 2. Xây dựng các chính sách để thúc đẩy ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh, góp phần làm tăng hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
- Nội dung: nghiên cứu, xây dựng các chính sách khuyến khích, thúc đẩy ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp.
c) Nhiệm vụ 3: Tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ứng dụng CNTT và tổ chức các chương trình đào tạo rộng rãi để nâng cao kiến thức và kỹ năng sử dụng CNTT của toàn xã hội.
- Nội dung: tổ chức tuyên truyền rộng rãi về khả năng và vai trò của ứng dụng CNTT. Tổ chức các chương trình đào tạo cộng đồng để nâng cao kỹ năng sử dụng CNTT&TT của người dân.
d) Nhiệm vụ 4: Triển khai các hệ thống quản lý hồ sơ y tế, thanh toán viện phí, bảo hiểm y tế trên mạng
- Nội dung: xây dựng hệ thống quản lý hồ sơ y tế, bảo hiểm y tế trên mạng cho các bệnh viện.
đ) Nhiệm vụ 5: Triển khai các loại hình đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến để phục vụ nhu cầu học tập của người dân.
- Nội dung: triển khai các hình thức e-learning, tele-learning một cách chính thức để phục vụ nhu cầu học tập mọi nơi, mọi lúc của người dân
e) Nhiệm vụ 6: Hiện đại hóa ứng dụng CNTT trong ngành tài chính - ngân hàng, góp phần tạo ra một xã hội công khai, minh bạch về tài chính, ngăn ngừa tham nhũng.
- Nội dung: hoàn thiện các ứng dụng CNTT trong ngân hàng, làm cơ sở cho việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, góp phần nâng cao tính minh bạch về tài chính trong xã hội.
a) Nhiệm vụ 1: Mở rộng, hoàn thiện hệ thống cáp quang đến các xã, phường trong toàn quốc.
- Nội dung: hoàn thành việc triển khai mạng truyền dẫn cáp quang đến hầu hết các xã, phường thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đảm bảo hạ tầng cần thiết cho việc cung cấp các dịch vụ viễn thông băng rộng trên toàn quốc.
b)Nhiệm vụ 2: Triển khai hệ thống địa chỉ Internet IP v6
- Nội dung: nghiên cứu, triển khai sử dụng hệ thống địa chỉ Internet IP v6 nhằm đảm bảo cung cấp đủ địa chỉ IP cần thiết phục vụ cho các nhu cầu sử dụng hiện tại và tương lai.
c) Nhiệm vụ 3: Triển khai công nghệ 3G, 4G và các công nghệ mới
- Nội dung: nghiên cứu, triển khai công nghệ 3G, 4G phục vụ cho việc xây dựng mạng thế hệ mới, băng thông rộng, độ ổn định cao.
d) Nhiệm vụ 4: Triển khai cung cấp dịch vụ hội tụ băng rộng đến từng hộ gia đình
- Nội dung: sử dụng cáp quang và các công nghệ không dây để cung cấp dịch vụ hội tụ băng rộng đến các hộ gia đình trên cả nước.
đ) Nhiệm vụ 5: Nghiên cứu các công nghệ phục vụ cho việc xây dựng mạng “mọi nơi, mọi lúc, mọi người”.
- Nội dung: nghiên cứu, làm chủ các công nghệ phục vụ cho việc xây dựng mạng “mọi nơi, mọi lúc, mọi người”.
a)Nhiệm vụ 1: Tiếp tục xúc tiến thu hút và lựa chọn các dự án đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực phần cứng máy tính và điện tử
- Nội dung: xúc tiến quảng bá, thu hút đầu tư, đồng thời ban hành các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn với quy hoạch về đất đai, quy mô rõ ràng, đảm bảo việc lựa chọn các dự án đầu tư gắn với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị gia tăng của Việt Nam trong các sản phẩm.
b) Nhiệm vụ 2: Triển khai nghiên cứu và phát triển cho các sản phẩm phần cứng và điện tử
- Nội dung: xây dựng các phòng thí nghiệm triển khai nghiên cứu và phát triển cho các sản phẩm phần cứng và điện tử, từng bước đưa công nghiệp phần cứng và điện tử đi lên giai đoạn 2.
c) Nhiệm vụ 3: Xây dựng quy hoạch các khu CNTT tập trung trong toàn quốc
- Nội dung: xây dựng quy hoạch các khu CNTT tập trung trong toàn quốc nhằm tạo ra các địa điểm thu hút đầu tư hấp dẫn đối với các công ty, đặc biệt là các công ty nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung.
d)Nhiệm vụ 4: Xây dựng quy chế quản lý các khu CNTT tập trung
- Nội dung: xây dựng và ban hành quy chế quản lý các khu CNTT tập trung nhằm đảm bảo việc quản lý thống nhất và hiệu quả đối với các khu CNTT tập trung trên toàn quốc
đ) Nhiệm vụ 5: Triển khai nghiên cứu và phát triển các giải pháp dịch Anh-Việt, Việt-Anh
- Nội dung: nghiên cứu, phát triển các giải pháp dịch trực tuyến Anh-Việt, Việt-Anh, góp phần đưa Internet và các thành tựu của CNTT gần với người dân Việt Nam
e) Nhiệm vụ 6: Triển khai các nghiên cứu về công nghệ thông tin xanh
- Nội dung: nghiên cứu, làm chủ các công nghệ liên quan đến sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng CNTT xanh, giảm thiểu tác động tới môi trường và tiết kiệm tiêu hao năng lượng, từng bước chuyển công nghiệp CNTT Việt Nam thành một ngành công nghệ “sạch”.
a) Nhiệm vụ 1: Phát triển đội ngũ giảng viên công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông
- Nội dung: Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và bổ sung đội ngũ giảng viên công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, đảm bảo ít nhất 50% có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ giảng viên CNTT hiện có.
b) Nhiệm vụ 2: Phát triển đội ngũ giáo viên dạy tin học cho các cơ sở giáo dục phổ thông
- Nội dung: Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và bổ sung đội ngũ giáo viên dạy tin học cho các cơ sở giáo dục phổ thông.
c) Nhiệm vụ 3: Chuẩn hóa các trình độ đào tạo công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông
- Nội dung: Xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn về các trình độ đào tạo CNTT, điện tử, viễn thông; chuẩn về ngoại ngữ trong đào tạo CNTT.
d) Nhiệm vụ 4: Phát triển đội ngũ nghiên cứu về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông
- Nội dung: Xây dựng và triển khai thực hiện dự án đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ cho cán bộ nghiên cứu trong các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông. Xây dựng cơ chế khuyến khích đội ngũ giảng viên CNTT, điện tử, viễn thông nghiên cứu khoa học.
đ) Nhiệm vụ 5: Xây dựng và phát triển đội ngũ giám đốc công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước
- Nội dung: Xây dựng và triển khai thực hiện dự án đào tạo giám đốc công nghệ thông tin cho các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định của Nhà nước.
e) Nhiệm vụ 6: Đào tạo và thu hút nhân lực trình độ cao về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc trong lĩnh vực CNTT&TT
- Nội dung: Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo 135.000 – 140.000 người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông để phục vụ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông; đào tạo và bồi dưỡng 530.000 người có trình độ cao đẳng hoặc tương đương trở lên về công nghệ thông tin có khả năng làm cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin. Xây dựng và ban hành các chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài, có trình độ cao trong lĩnh vực CNTT&TT về nước làm việc.
g) Nhiệm vụ 7: Đào tạo nghề về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông
- Nội dung: Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nghề các trình độ về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông cho 105.000 – 110.000 người.
h) Nhiệm vụ 8: Đào tạo và bồi dưỡng kiến thức công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức
- Nội dung: Thực hiện dự án “Đào tạo về quản lý công nghệ thông tin và phổ cập tin học cho cán bộ, công chức và viên chức” trong “Chương trình phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin ở Việt nam từ nay đến năm 2010”.
i) Nhiệm vụ 9: Đào tạo và bồi dưỡng kiến thức công nghệ thông tin cho giáo viên, cán bộ trong ngành giáo dục và đào tạo
- Nội dung: Xây dựng và triển khai thực hiện dự án đào tạo và bồi dưỡng kiến thức công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên đại học và cao đẳng, giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, giáo viên trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học và mẫu giáo.
k) Nhiệm vụ 10: Dạy tin học cho sinh viên, học sinh các cấp
- Nội dung: Triển khai thực hiện dự án “Đào tạo, bồi dưỡng về công nghệ thông tin cho các chuyên ngành”, dự án “Nâng cao chất lượng đào tạo về công nghệ thông tin ở bậc trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề”, đề án “Dạy tin học và ứng dụng công nghệ thông tin trong trường phổ thông” trong “Chương trình phát triển nguồn nhân lực về công nghệ thông tin ở Việt nam từ nay đến năm 2010”, xây dựng và triển khai thực hiện dự án phát triển mạng và các dịch vụ giáo dục, đào tạo trên Internet.
l) Nhiệm vụ 11: Phổ cập tin học cho nhân dân
- Nội dung: Xây dựng và triển khai thực hiện dự án nhằm phổ biến kiến thức, đào tạo về sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin cho nhân dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và những người khuyết tật.
m) Nhiệm vụ 12: Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT trong cơ quan nhà nước
- Nội dung: Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, khuyến khích ưu đãi đối với việc mở trường, lớp đào tạo, bồi dưỡng CNTT; về đào tạo bồi dưỡng giảng viên, giáo viên CNTT.
n) Nhiệm vụ 13: Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho việc sử dụng nguồn nhân lực CNTT trong cơ quan nhà nước
- Nội dung: Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, khuyến khích ưu đãi về chế độ đối với người làm CNTT trong các cơ quan nhà nước.
o) Nhiệm vụ 14: Xây dựng hệ thống thông tin nhân lực công nghệthông tin
- Nội dung: Xây dựng hệ thống thông tin nhân lực công nghệ thông tin. Tổ chức thực hiện nghiên cứu dự báo về thị trường lao động công nghệ thông tin, hỗ trợ các đơn vị sử dụng nhân lực công nghệ thông tin.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Toà án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia HCM; - VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: Văn thư, CN (5b). |
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng |
Phụ lục
Danh mục các dự án ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước
(Ban hành kèm theo Quyết định số /2008/QĐ-TTg ngày tháng năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ)
STT |
Tên dự án |
Đơn vị chủ trì |
Thời gian thực hiện |
1. |
Xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015 |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2010 |
2. |
Đào tạo phổ cập và nâng cao nhận thức của người dân về ứng dụng công nghệ thông tin |
Bộ Giáo dục và Đào tạo
|
2010-2015 |
3. |
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ bệnh nhân, bảo hiểm y tế |
Bộ Y tế |
2010-2015 |
4. |
Ứng dụng công nghệ thông tin cho quản lý học sinh, sinh viên, đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến |
Bộ Giáo dục và Đào tạo |
2010-2015 |
5. |
Xúc tiến thu hút đầu tư các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin |
Bộ Công Thương |
2010-2015 |
6. |
Nghiên cứu, xây dựng các giải pháp dịch Anh-Việt, Việt-Anh |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2010-2012 |
7. |
Nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ thông tin xanh |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2010-2020 |
8. |
Phát triển đội ngũ giảng viên công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông |
Bộ Giáo dục và Đào tạo |
2010-2015 |
9. |
Xây dựng hệ thống thông tin về nhu cầu nhân lực CNTT |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2011-2015 |
10. |
Xây dựng và phát triển đội ngũ giám đốc công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước |
Bộ Nội vụ |
2011-2015 |
11. |
Đào tạo và thu hút nhân lực trình độ cao về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông |
Bộ Giáo dục và Đào tạo |
2011-2015 |
12. |
Đào tạo và bồi dưỡng kiến thức công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức |
Bộ Nội vụ |
2011-2015 |
13. |
Xây dựng trường đại học CNTT và truyền thông đạt đẳng cấp quốc tế |
Bộ Giáo dục và Đào tạo |
2011-2015 |
14. |
Chuẩn hóa các trình độ đào tạo công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
2011-2015 |
15. |
Phổ biến kiến thức về sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin cho nhân dân (đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và những người khuyết tật) |
Bộ Giáo dục và Đào tạo |
2011-2020 |
Nguồn: Báo chính phủ