Sáng ngày 30 tháng 11 năm 2023, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên đã long trọng tổ chức " Hội thảo đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn và thiết kế vi mạch"
Đến tham dự hội thảo có sự góp mặt của:
Về phía Đại học Thái Nguyên: PGS.TS Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Đại học Thái Nguyên;
Về phía Nhà trường: PGS.TS Ngô Như Khoa - Bí thư đảng ủy, Chủ tịch hội đồng trường; TS. Đỗ Trung Hải - Hiệu trưởng Nhà trường trường; PGS.TS Nguyễn Văn Chí - Trưởng Khoa Điện tử;
Về phía các Viện nghiên cứu và các Trường Đại học bạn: TS. Vũ Lê Hà - Viện Trưởng viện Điện điện tử - Viện Khoa học - công nghệ quân sự; TS. Trần Đình Lâm - Phó viện Trưởng viện Điện điện tử - Viện Khoa học - công nghệ quân sự; TS. Phan Hồng Minh - Trưởng phòng Thiết kế Vi mạch - Viện Trưởng viện Điện điện tử - Viện Khoa học - công nghệ quân sự; PGS.TS Nguyễn Xuân Ca - Viện trưởng viện Khoa học công nghệ - Đại học Khoa học; PGS.TS Nguyễn Văn Hảo Phó Viện trưởng viện Khoa học công nghệ - Đại học Khoa học;
Về phía công ty sử dụng nhân lực: Ông Phạm Văn Cường - Giám đốc Công ty TNHH HUNONIC.
Hội thảo khoa học cấp trường về "ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU TRONG LĨNH VỰC ĐIỆN TỬ, BÁN DẪN VÀ THIẾT KẾ VI MẠCH" được tổ chức ngày hôm nay nhằm mục đích trao đổi, đánh giá và nhận định những thuận lợi, khó khăn trong quá trình đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực Điện tử, bán dẫn và thiết kế vi mạch. Hội thảo cũng là nơi Nhà trường, các Viện nghiên cứu và các công ty cùng trao đổi và xây dựng lộ trình hợp tác trong quá trình xây dựng Chương trình đào tạo, giảng dạy và cung cấp nguồn nhân lực sau khi đào tạo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Ngô Như Khoa nhấn mạnh: "Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước vận hội lớn về sự phát triển và tham gia sâu vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng của các ngành công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao liên quan đến Kỹ thuật bán dẫn, điện tử và vi mạch. Theo Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiêp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển công nghiệp điện tử, bán dẫn, vi mạch là con đường chủ đạo, và đặt mục tiêu đến năm 2030 các ngành này đạt trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác.
Để đón đầu xu hướng cung cấp nguồn nhân lực lao động trong ngành điện tử, bán dẫn và vi mạch tầm nhìn đến năm 2045 tới đây, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp xin phép được mở ngành đào tạo Công nghệ điện tử, bán dẫn và vi mạch với trọng tâm chính của chương trình đào tạo là: đào tạo các kỹ sư công nghệ làm việc trong lĩnh vực liên quan đến thiết kế vi mạch bán dẫn và sản xuất các bộ vi mạch bán dẫn (Integrated Circuit – IC).
Hội thảo cũng xin nhận được các ý kiến chia sẻ của các cấp Lãnh đạo có thẩm quyền nhằm xây dựng chiến lược và lộ trình ưu tiên phát triển nguồn lực và các cơ chế chính sách trong quá trình đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực điện tử, vi mạch và bán dẫn tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Đại học Thái Nguyên".
Hội thảo đã nhận được 10 báo cáo chất lượng về các chủ để: nhu cầu nguồn nhân lực bán dẫn trong tương lai, định hướng đào tạo ngành công nghệ bán dẫn, các hình thức đào tạo ngành bán dẫn, khả năng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn,...
Tại hội thảo các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận về sự phát triển và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực trong ngành Công nghệ Điện tử, vi mạch và bán dẫn cũng như định hướng đào tạo cũng như hợp tác đào tạo Ngành công nghệ Điện tử, vi mạch và bán dẫn.
Đến với hội thảo, PGS.TS Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Đại học Thái Nguyên khẳng định: Nhận lực ngành Công nghệ điện tử vi mạch và bán dẫn trong 5 năm tới cần khoảng 20.000 người và 10 năm tới cần khoảng 50.000 người có trình độ từ đại học trở nên. Và đây cũng là một cơ hội rất lớn cho ngành "Công nghệ điện tử, vi mạch và bán dẫn. Vì thế Đại học Thái Nguyên đã xác định đây là một ngành có tiềm năng để đào tạo nguồn nhân lực điện tử, vi mạch và bán cho tương lai.
Đại học Thái Nguyên cũng xác định các trường cùng đào tạo ngành bán dẫn trong khối Đại học Thái Nguyên là: Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp, Trường đại học Công nghệ thông tin và Trường Đại học khoa học. Trong đó, Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp sẽ được chọn làm trường trọng điểm để tập trung đào tạo nhân lực cho ngành Công nghệ điện tử, vi mạch và bán dẫn thuộc khối các trường thuộc Đại học Thái Nguyên.
PGS.TS Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Đại học Thái Nguyên cũng khẳng định: Đại học Thái Nguyên sẽ hỗ trợ hết mình cho Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp trong việc mở ngành đào tạo Công nghệ điện tử, vi mạch và bán dẫn, hỗ trợ tối đa cho Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp trong việc đầu tư trang thiết bị dạy học, thực hành, thí nghiệm, cũng như đầu tư để đưa các giáo viên đi bỗi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ phục vụ cho công tác giảng dạy ngành Công nghệ điện tử, vi mạch và bán dẫn.
Hội thảo Đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn và thiết kế vi mạch được tổ chức nhằm tạo cầu nối để các nhà khoa học trong nước tiếp cận và trao đổi các kết quả nghiên cứu mới, từ đó tăng cường khả năng hợp tác, liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nhóm nghiên cứu mạnh.
Để biết thêm chi tiết về Hội thảo, xin hãy xem thêm TẠI ĐÂY.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI HỘI THẢO: