Tin tức - Sự kiện

HỘI THẢO PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHIP BÁN DẪN TỪ CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC VIỆT NAM

HỘI THẢO PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHIP BÁN DẪN TỪ CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC VIỆT NAM

Sáng 19 tháng 10 năm 2023 tại đại học Đà nẵng, Bộ giáo dục tổ chức hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục Việt Nam”.
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Bộ GDĐT; Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng; đại diện gần 40 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam có quy mô lớn các ngành phù hợp, ngành gần với chuyên ngành thiết kế chip bán dẫn; đại diện các doanh nghiệp trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip bán dẫn (Tập đoàn Intel, Synopsys Việt Nam, Cadence, Qorvo Việt Nam, Tổng công ty công nghệ cao Viettel, VNPT Technology Việt Nam,…).
Đại diện cho trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, tham dự hội thảo có PGS.TS Ngô Như Khoa, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch hội đồng trường; PGS.TS Nguyễn Văn Chí, Trưởng khoa Điện tử.
Các đại biểu là lãnh đạo Bộ GD và đào tạo, các Trường Đại học kỹ thuật và doanh nghiệp
Hội thảo nhằm thống nhất, nâng cao nhận thức và quyết tâm giữa các cơ sở giáo dục đại học kỹ thuật hàng đầu với sự quan tâm, đầu tư, kiến tạo cơ chế chính sách của Nhà nước, sự đồng hành tích cực của các địa phương, doanh nghiệp trong việc  thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn của Việt Nam.
Hội thảo cũng đã thành lập liên minh các trường Đại học trong đào tạo lĩnh vực chip bán dẫn và vi mạch  nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, và thống nhất kế hoạch hành động cùng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam để sẵn sàng đảm bảo, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2045 với nhu cầu trong 5 năm tới khoảng 20.000 và 10 năm tới khoảng 50.000 kỹ sư có từ trình độ đại học trở lên.
Các trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã tương đối sẵn sàng về năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực CÔNG NGHỆ ĐIỆN TỬ, BÁN DẪN VÀ VI MẠCH, nhân lực về thiết kế và sản xuất vi mạch, các ngành đào tạo phù hợp nhất là kỹ thuật điện tử, điện tử-viễn thông; các ngành gần bao gồm kỹ thuật điện, công nghệ và kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, cơ điện tử v.v.
Việc đào tạo có thể tuyển mới đào tạo từ đầu, hoặc sinh viên học các ngành gần có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối; hoặc kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng tới 1-2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn - vi mạch.
Hiện nay, Bộ GDĐT đang chủ trì xây dựng để trình Thủ tướng vào cuối năm nay 2 đề án quan trọng: Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao. Đề án xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0, trong đó sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách và dự án đầu tư để để chuẩn bị hình thành các nhóm nghiên cứu về công nghệ cao, gắn với đào tạo sau đại học ở các lĩnh vực công nghệ cao.
 

Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu khai mạc hội thảo

Tham luận của Đại học Bách Khoa Hà Nội về nhu cầu nhân lực ngành Công nghệ điện tử, bán dẫn và vi mạch

Bộ trưởng Bộ giáo dục đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng ban tổ chức

Đại điện trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Khoa Điện tử tham dự hội thảo: PGS.TS Ngô Như Khoa, Bí thư đảng uỷ, Chủ tịch hội đồng trường; PGS.TS Nguyễn Văn Chí, Trưởng Khoa Điện tử