Xem thêm: 

 

GIỚI THIỆU CHUYÊN NGÀNH ĐIỆN TỬ - VIỄN THÔNG


Khái quát chung

- Là ngành sử dụng những công nghệ tiên tiến, tạo nên các thiết bị giúp cho việc truy xuất thông tin bạn muốn có. Thiết bị điện tử thông thường gắn liền với cuộc sống hằng ngày như: Đài, Tivi, điện thoại, mạng máy tính cho tới những hệ thống phức tạp mà có thể chưa đến 1s đã chuyển thông tin từ châu lục này tới châu lục khác.

Hệ thống, thiết bị điện tử
- Bạn thường nghe nói chúng ta đang sống trên xa lộ thông tin? Các mạng viễn thông này chính là xa lộ thông tin ấy - nơi bạn có thể kết nối thông tin liên lạc mọi lúc mọi nơi.
 
 Hệ thống truyền thông toàn cầu

- Mạng viễn thông là phương tiện truyền thông tin từ đầu phát tới đầu thu, gồm các thành phần chính: thiết bị chuyển mạch, thiết bị truyền dẫn, môi trường truyền, thiết bị đầu cuối.

- Nếu điện tín (1884), điện thoại (1876), radio (1895) và vô số tuyến truyền hình (1925) đã thay đổi cách thức giao tiếp của con người thì sự xuất hiện của thông tin viễn thông (1960), sợi quang học (1977) và mới nhất là công nghệ thông tin không dây tạo nên 1 hệ thần kinh thông minh, nhạy bén trên Trái Đất. 

 

 

Truyền thông qua vệ tinh

Có thể nói lĩnh vực viễn thông đã làm thay đổi bộ mặt của Trái Đất hiện thực hóa khả năng liên kết của mỗi người, mỗi quốc gia. Gắn kết mọi người với nhau nhờ 1 mạng lưới viễn thông vô hình và vô hình trên khắp Trái Đất và vũ trụ.

 

Sự hội tụ của ngành điện tử viễn thông và các ngành khác

- Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu sử dụng và truyền dữ liệu của con người cũng tăng lên theo hàm số mũ. Ngành Điện tử Viễn thông tự hào là ngành đưa tri thức của mọi người đến mỗi người và ngược lại...

- Ngành Điện tử Viễn thông không ngừng phát triển để đem lại sự hội tụ (hay sự thống nhất) về các loại hình dịch vụ truyền dữ liệu như điện thoại, truyền hình (truyền hình quảng bá và truyền hình theo yêu cầu)... Dữ liệu internet băng rộng đã thúc đẩy ngành công nghệ thông tin phát triển lên 1 mức cao hơn, loại hình dịch vụ đa dạng hơn và chi phí rẻ hơn. Các bạn có thể gọi điện thoại qua mạng internet, xem hình ảnh của bạn bè trên khắp thế giới, chia sẻ nguồn dữ liệu hay giao dịch mua bán ở khoảng cách rất xa...

Trên tất cả, điều mà những người làm trong ngành Điện tử Viễn thông luôn hướng tới là tạo ra 1 thế giới gần gũi hơn cho tất cả mọi người.

  

Xu hướng hội tụ và số hóa toàn cầu

Những tố chất giúp bạn thành công trong ngành Điện tử Viễn thông

Thông minh và năng động

Điện tử Viễn thông là 1 ngành công nghệ mới, đòi hỏi bạn phải có tư chất thông minh, sự năng động và niềm đam mê tìm hiểu các công nghệ mới trên thế giới và áp dụng nó vào thực tế tại Việt Nam.

Kiên trì, nhẫn nại

Làm khoa học đòi hỏi đức tính kiên trì và nhẫn nại. Các công việc trong ngành Điện tử Viễn thông chịu ảnh hưởng rất nhiều của yếu tố khác quan bên ngoài. Vì vậy, nếu bạn không có tính kiên trì và nhẫn nại thì khi 1 hệ thống gặp khó khăn, bạn khó có thể giải quyết được sự cố xảy ra.

Có mục tiêu và đam mê

Đây là điều không thể thiếu cho sự thành công ở bất cứ ngành nghề hay lĩnh vực khoa học nào và không ngoại từ Điện tử Viễn thông. Bạn trước hết cần phải có niềm đam mê thật sự, quyết tâm theo đuổi trong công việc. Khi đó bạn mới có thể tự mình đề ra mục tiêu phấn đấu, định hướng rõ ràng, lên kế hoạch cụ thể cho công tác học tập và nghiên cứu của mình.

Thế giới khoa học nói chung và ngành Điện tử Viễn thông nói riêng có rất nhiều điều thú vị, có thể làm bạn bị phân tán khỏi mục tiêu chính, hoặc tệ hơn, khiến bản cảm thấy chán nản trước 1 kho kiến thức rộng lớn nếu như bạn không có niềm đam mê.

Niềm đam mê có thể được bồi đắp và mục tiêu có thể được nuôi dưỡng qua thời gian.

Tìm tòi, học hỏi, khả năng ngoại ngữ

Ngành Điện tử Viễn thông thường xuyên thay đổi, đòi hỏi các kĩ sư trong lĩnh vực này luôn phải đọc, tìm kiếm các công nghệ mới đã và đang được đưa ra trên thế giới, học tập qua nghiên cứu và thực tế tại các nước có ngành Điện tử Viễn thông phát triển.

Khả năng đọc hiểu ngoại ngữ là yếu tố không thể thiếu trong ngành. Các công nghệ mới, các chuẩn mới đưa ra đều được viết bằng tiếng nước ngoài (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức). Vì vậy nếu bạn không có khả năng ngoại ngữ thì bạn khó có thể nắm bắt được các công nghệ mới. Ngược lại, với khả năng ngoại ngữ tốt, bạn có thể tự tin rằng bạn đã đi được 1 nửa chặng đường.

Khả năng làm việc theo nhóm

Đến với chúng tôi bạn sẽ được rèn luyện ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để sau này có thể thích ứng ngay được với yêu cầu của công việc.

 

Trong thế giới Điện tử Viễn thông bạn sẽ làm gì?

Nghiên cứu, sáng tạo công nghệ mới, các thiết bị Điện tử Viễn thông mới

Nếu bạn thích tím tòi sáng tạo thì đây có thể là sự lựa chọn phù hợp với bạn. Các kĩ sư phát triển các công nghệ mới, ứng dụng mới hữu ích và đơn giản hơn cho mọi người. Đây chính là lĩnh vực thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ ngành Điện tử Viễn thông, đem lại sự sáng tạo mới, phương thức liên lạc mới cho xã hội.

Lĩnh vực mạng, viễn thông

Trong lĩnh vực này, bạn không chỉ làm chủ các thiết bị truyền tin trên toàn cầu như hệ thống truyền dẫn: cáp quang, vệ tin, hệ thống truyền tin không dây (vi ba) v.v... mà còn nắm rõ hoạt động của các thiết bị định tuyến, chuyển mạch tổng đài, giúp cho việc liên lạc giữa hàng tỉ người trên toàn cầu được chính xác...

Không chỉ vậy, bạn còn thiết kế các hệ thống mạng, từ hệ thống mạng LAN trong văn phòng, gia đình, tới những hệ thống mạng trục phức tạp, tinh vi, tạo nên hệ thần kinh cho mỗi quốc gia và toàn thế giới. Các hệ thống mạng không cần thông minh, đơn giản, tin cậy đối với khách hàng mà còn phải có khả năng an toàn trước những đợt tấn công của virus, hacker (tin tặc) phá hoại.

Lĩnh vực định vị dẫn đường

Để mỗi chuyến bay cất cánh, hạ cánh an toàn, bay ở đúng tầm cao là công sức không chỉ của tổ bay mà còn của những thành viên các trạm kiểm soát không lưu đặt khắp nơi trên mặt đất. Đảm bảo cho hàng nghìn chuyến bay, tàu thuỷ hoạt động an toàn là công việc của những kĩ sư Điện tử Viễn thông làm việc trong lĩnh vực định vị dẫn đường.

Lĩnh vực âm thành, hình ảnh

Sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực âm thanh, hình ảnh cũng có 1 phần đóng góp quan trọng của ngành Điện tử Viễn thông như việc thiết kế ra các trang thiết bị nghe nhìn, điều chỉnh âm độ các thiết bị thu âm v.v...